Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Sáu Tuần XVIII Mùa Thường Niên | Mt 16,24-28 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ SÁU TUẦN XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN
 

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (16,24-28)

24 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

27 Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị”.

SUY NIỆM

Một tác giả vô danh đã nói về một người Kitô hữu như sau: Một người Kitô hữu là tâm trí mà qua đó Chúa Kitô suy nghĩ, là trái tim mà qua đó Chúa Kitô sống, là tiếng nói mà Chúa Kitô dùng để phán, là bàn tay mà được Chúa Kitô giúp đỡ.

Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo”. Vì thế, lời này của Chúa Giêsu đòi buộc những ai bước theo Người là một vấn đề nghiêm túc. Bởi vì đoạn Tin mừng này nói về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, đó là sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Người. Nhưng làm thế nào để chúng ta sống trọn vẹn cuộc đời mình?

Một giám mục trong bài giảng của ngài, đã cho chúng ta biết rằng, trước tiên là sống trọn vẹn. Sống trọn vẹn có nghĩa là trở nên một anh hùng. Nghĩa là sẵn sàng đi thêm một dặm nữa ngay cả khi luật lệ không yêu cầu. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành anh hùng. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở nên quảng đại. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi đi đến cùng mà không do dự, lừng khừng nhưng sẵn sàng mọi lúc. Đó là chìa khóa của chủ nghĩa anh hùng. Đây là chìa khóa của sự thánh thiện: quảng đại, sống trọn vẹn cuộc sống, vui mừng trong cuộc sống. Chúng ta không bị cấm ăn mừng cuộc sống. Chúng ta phải tận hưởng cuộc sống, bởi cuộc sống này Chúa đã ban cho chúng ta.

Thứ hai, giám mục nói tiếp là phải có một tình yêu sâu sắc. Ngài nói rằng, chúng ta nói chúng ta yêu bằng trái tim. Một số người trong chúng ta thốt ra những câu như: “Tôi không còn yêu cô ấy nữa” hoặc “Tôi không còn yêu anh ấy nữa”. Thực ra, ý chúng ta muốn nói là “Tôi không còn cảm thấy niềm vui và sự thích thú khi yêu nữa”. Khi Chúa nói với chúng ta rằng, chúng ta phải yêu sâu sắc, Chúa đang bảo chúng ta đi sâu hơn vào trái tim, đi sâu hơn vào cảm xúc. Kiểm tra cấu tạo của cơ thể chúng ta và đi sâu hơn vào trái tim có nghĩa là đi vào ruột gan. Trên thực tế, trong các tôn giáo phương Đông, trọng tâm của cơ thể, cốt lõi của cơ thể không phải là trái tim mà là ruột gan. Đó là cốt lõi. Khi Chúa yêu cầu chúng ta một tình yêu sâu sắc, nghĩa là một tình yêu vượt lên trên cảm xúc, yêu bằng ruột gan, yêu đến độ ruột gan quạnh đau, ngay cả khi nó có thể trở nên trống rỗng. Nhưng chúng ta biết rằng, chỉ khi yêu thương sâu sắc, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn.

Cuối cùng, vị giám mục còn nói rằng, điều cuối cùng là chúng ta phải vui vẻ buông bỏ. Chúng ta phải vui vẻ vác thập giá của mình. Chúa đang yêu cầu chúng ta phải có niềm vui, không nhất thiết phải vui vẻ mọi lúc, nhưng chúng ta vẫn có thể có niềm vui ngay cả lúc ở trong những khó khăn thử thách, bởi vì Chúa luôn ở trong lòng chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ nghi ngờ rằng, chúng ta là tạo vật quý giá nhất của Chúa. Vì chúng ta là đền thờ nơi Chúa ngự, tâm hồn ta là cung thánh mà Chúa luôn ở đó.

Và như vậy, một ai đó đã nói, Kitô hữu mà không có thập giá sẽ chỉ là một phong trào phục hưng khác. Ai đó đã nói rằng, chính thập giá cho chúng ta thấy lòng tốt của chúng ta không đủ tốt. Đức tin vào Chúa Kitô không nhằm mục đích cải thiện chúng ta, để hoàn thiện hình ảnh bản thân, mà là để biến chúng ta thành một tạo vật mới (2Cr 5,17). Chúng ta trở thành một tạo vật mới, không phải bằng cách cải thiện thành tích của mình, mà bằng cách đi đến hồi kết. Chúng ta được kêu gọi để chết đi nơi chính mình. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta được kêu gọi để thất bại, nhưng thất bại đó tốt hơn bất kỳ thành công nào. Đây là khuôn mẫu cuộc sống của Chúa Giêsu, và do đó cũng sẽ là khuôn mẫu cuộc sống của các môn đệ của Người.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết chọn lựa và can đảm đi theo con đường mà Chúa đã đi qua, chính là con đường thập giá, bởi chỉ có một con đường này mới dẫn con đến vinh quang phục sinh, là được sự sống đời đời bên Chúa. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.